Phát huy trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, là đề nghị của đồng chí Lê Thanh Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tại buổi giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2023 tại Sở NN&PTNT sáng 29/5.
Đồng chí Lê Thanh Đồng phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: PHONG NHÃ |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân bằng nhiều hình thức; tổ chức thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Dân vận khéo”. Đến nay, chương trình đã giải ngân khoảng 76 tỉ đồng, chiếm 30% nguồn vốn; toàn tỉnh có 63/83 xã (tỉ lệ 76%) đạt chuẩn NTM, 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, 15 thôn được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 18 vườn được công nhận vườn mẫu NTM…
Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 số lượng và yêu cầu đạt chuẩn của các chỉ tiêu, tiêu chí NTM cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. Theo đó, bình quân tiêu chí NTM/xã của tỉnh giảm so với giai đoạn trước. Trong khi nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư thực hiện chương trình còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã, huyện xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra.
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Lê Thanh Đồng chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Sở NN&PTNT. Đồng chí cũng đề nghị sở NN&PTNT tiếp tục phát huy trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời thực hiện tốt các nội dung của chương trình; đồng thời chủ động kiến nghị với trung ương sửa đổi các chính sách còn bất cập về xây dựng NTM, tham mưu tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương liên quan đến NTM; xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng…
Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thanh Đồng cũng đề nghị tăng cường gắn kết với hai chương trình MTQG còn lại của tỉnh là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí nhấn mạnh cần thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình, trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là việc trang bị một số kiến thức cơ bản cho người dân để họ phát triển kinh tế tăng nguồn thu nhập. Đặc biệt phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện chương trình theo thẩm quyền…
PHONG NHÃ